HUỲNH VĂN HUÊ
hãy cho đi để được lại
Sunday, 05.19.2024, 12:56 PM


  
Main Publisher Log outLogin
Các chuyên mục

Main » Articles » My articles

TRĂNG SÁNG BÊN ĐỜI (2) và (3)

TRĂNG SÁNG BÊN ĐỜI (2) hay BÀI THƠ NĂM CŨ

     Cái cảm giác được làm đến chức … "ông” nghĩ thật cũng thú vị. So với một số bạn bè đồng thời với ông, có người còn chưa hưởng được cái cảm giác thiêng liêng khó tả này. Hôm nay ông Hưng về dự đám thôi nôi của đứa cháu nội đầu tiên… Chiếc xe lăn bánh êm ru khá nhanh mặc dù con đường gọi là quốc lộ này bây giờ xe cộ đủ loại, lớn nhỏ qua lại hầu như bất kể ngày đêm. Đến một ngả rẽ, lòng ông chợt thóang bồi hồi, đây là đường vào nông trường Phước An, nơi ông từng đến công tác làm… thầy giáo… .Mới đây mà đã mấy mươi năm và cũng mới đây mà đứa con trai lớn cưới vợ đã được mấy năm rồi, hiện ông chỉ còn cậu con trai út còn đang đi học thôi. Vì đến sớm, nên sau khi thăm hỏi những người thân quen, gặp gỡ con cháu… , lát sau ông tự dành cho mình một phần thời gian, bước ra đường đi dạo một vòng, thăm lại cái thị xã  vốn trước đây cũng là một tỉnh của miền đông Nam Bộ. Thời chiến tranh xưa kia, người ta nói nơi này bị tàn phá rất nặng nề, hầu như chỉ còn là đống gạch vụn. Những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến oái oăm, thật đau đớn khi người dân thường lẫn những người có cầm vũ khí đã thiệt mạng nhiều! Nhưng hôm nay quang cảnh khác xa, không còn chiến tranh, vùng đất đỏ bao la mầu mỡ này cùng với những cư dân cần cù đã góp phần tạo nên một cuộc đổi thay thấy rõ… .

     Ông đang đứng tần ngần, ngắm nhìn và suy nghĩ mông lung, bất chợt bên kia đường có một người phụ nữ dáng vẻ có "của ăn của để” băng qua, cất tiếng vồn vã, mừng rỡ:

-  Dạ, xin lỗi có ph..ả..i là… "thầy” Hưng không ? – Ông Hưng ngờ ngợ nhìn người đàn bà hình như mình đã gặp ở đâu đó,có nét hơi… quen quen rồi gật nhẹ đầu. Thấy trí nhớ mình đã có kết quả và được...  công nhận, người đàn bà vội vàng nói tiếp:

-  Nhà "em” ở bên kia đường, mời "thầy” ghé nhà … uống nước! "Em” là Thúy, học khóa… ở nông trường Phước An nè! – Đến đây có lẽ ông Hưng đã nhớ được khá đầy đủ:

-  Phải Thúy… "đuôi gà”, sau đó về công tác ở phòng nông nghiệp huyện… ? – Bằng một nụ cười thật tươi vì "thầy” đã nhớ ra mình, người đàn bà tiếp lời ngay:

-  Dạ phải rồi! Mời "thầy” qua nhà… !

Thấy mình cũng còn thời gian, hơn nữa trước tấm lòng của người "học trò” cũ, Ông Hưng chỉ mất vài giây do dự rồi bước qua đường.

      Nhà của Thúy là một cửa hàng đại lý, chuyên bán thức ăn chăn nuôi và cả phân bón hóa học, trông rất bề thế, hàng hóa đầy ắp, phải có đến ba nhân viên – có thể là em, cháu – phụ giúp công việc buôn bán. Sau khi dặn dò công việc nhanh gọn, xong xuôi, Thúy - phải gọi là… bà Thúy thì đúng hơn -  mời ông Hưng vào ngồi uống nước trên  bộ salon to - rộng bằng gỗ quý trong phòng khách, bà Thúy – thật ra chỉ nhỏ hơn ông Hưng chưa đến mười tuổi -  sau khi thăm hỏi "thầy” theo lẽ thường tình, bà bắt đầu nói về mình:

-  Thầy biết không, khi học khóa của thầy xong, em học tiếp khóa trung cấp. – Sau khi ngừng một chút và mĩm cười,bà Thúy nói tiếp: " -Rồi em quen với ông xã của em bây giờ đây, ảnh còn công tác, chỉ có em nghỉ ở nhà buôn bán, lo cho hai đứa nhỏ đi học ở Sài Gòn.

Chuyện trò qua lại một hồi… , rồi việc gì đến cũng phải đến, ánh mắt bà Thúy sáng lên, gương mặt thoáng ửng hồng, giọng nói hình như… thấp xuống:

-  Thầy có nhớ khóa học ở Phước An ai là người ngồi… kế em không? – Đã nhớ ra Thúy " đuôi gà” thì làm sao không nhớ đến "người” đó, ông Hưng nói ngay và trong lòng có chút hồi hộp:

-  Nhớ chớ!... , đó là… "ma-sơ”… Hạnh! – Với một nụ cười hoàn toàn trọn nghĩa, bà Thúy chân thật tiếp:

-  Đúng ra phải gọi đầy đủ là...  ma-sơ Theresa Hạnh.- Rồi bằng cái giọng như đang kể chuyện, một câu chuyện tuy không phải là... cổ tích, nhưng cũng đã mấy mươi năm rồi, bà bắt đầu nói, nói một hơi... dài:

-  Chắc thầy cũng biết rồi, thầy hết môn chừng mấy ngày thì Hạnh cũng trở về tu viện... . Em và Hạnh học trung học trên miền này nên quen thân nhau từ trước, Hạnh học rất giỏi.  Rồi nhìn thấy ông Hưng đang ngồi im chăm chú lắng nghe, bà Thúy nhắc: " Mời thầy uống nước đi thầy!” . Xong lại... tiếp tục câu chuyện của mình đang kể:

-  Thầy  biết không (cái câu mở đầu hầu như đã… quen miệng!), ngày làm lễ mãn khóa, Hạnh có về dự, hôm đó Hạnh đã "phá lệ” không mặc đồ tu nữa! Đến phần văn nghệ, thầy biết không(!), Hạnh có lên hát bài "BAY ĐI CÁNH CHIM BIỂN” hay lắm! – Đưa mắt nhìn trân trân ông Hưng, Thúy không kể nữa mà... hỏi:

-  Nhưng sao lần đó thầy không về dự ? – Ra dáng lấy làm tiếc (mà là tiếc thật!) ông Hưng trả lời:

-  Lần đó tôi phải đi công tác miền Tây, phải hơn tuần lễ mới về! – Rồi không biết thắc mắc thật hay… chiếu lệ, ông Hưng hơi cười và đăt câu hỏi với "học trò” của mình: " Sao lúc đó dám hát mấy bài này ?!!”. Như một cô "học trò” năm nào, Thúy liếng thoắng trả lời:

-  Trong nhiều bài hát mình… chen vô một bài, đâu ai biết hết… , với lại nội dung bài hát đâu "có gì”, chỉ    nói về chuyện… tình cảm thôi.- Tiếp theo bằng cách ra vẻ như có chuyện gì rất... đặc biệt, Thúy nói tiếp:

-  Thầy có biết tại sao lần đó Hạnh về "trường”với hình thức như vậy không? – Tất nhiên ông Hưng không thể có câu trả lời, rồi chính Thúy lại tự trả lời câu hỏi của mình:

-  Chỉ hơn tháng sau Hạnh có tìm gặp em, nói rằng sắp phải đi xa! Hạnh có gởi thầy lá thư, nói rằng nếu có dịp cứ đưa tận tay thì thầy sẽ biết thôi... .- Rồi như một người có lỗi, Thúy tiếp:

-  Thầy biết không, lá thư để ngỏ, Hạnh nói không có gì... riêng tư, em có xem cứ xem. – Thúy bắt đầu có vẻ... dông dài, tay chỉ ra ngoài đường!:

-  Hồi đó con đường này còn là đường trải đá pha lẫn đất đỏ, cái nền nhà này cũng là nền đất luôn! Năm đó em hỏi thăm người ta, được biết thầy không còn ở sở nữa!... Em để lá thư kẹp trong quyển sách, cất cùng với mấy quyển nữa vào trong cái rương cây để dưới gầm giường. Mấy tháng sau, nhìn bên ngoài không thấy gì, nhưng bên trong đám mối đã gậm từ dưới lên trên, tan nát hết mấy quyển sách! Lá thư thì chữ nghĩa chỗ còn, chỗ mất!... . Thúy còn nói nhiều nữa, toàn những chuyện xoay quanh lá thư ngỏ năm xưa. - Vừa lúc đó điện thoại của ông Hưng có cuộc gọi, đứa con trai của ông đã gọi, nhắc ông trở về nhà để thắp nhang trên bàn thờ ông bà. Gương mặt thoáng phảng phất nét đăm chiêu ,ông đứng lên định tạm biệt ra về, nhưng bà Thúy đã mau miệng:

-  Thầy ở lại dùng cơm với gia đình, "ông xã” em cũng đang trên đường về... . -  Nhưng ông Hưng đã có lý do quá chính đáng để từ chối:

-  Thôi, tôi xin cám ơn gia đình, nhưng vì có việc, để dịp khác còn lên đây tôi sẽ đến... – Qua cuộc trò chuyện từ đầu đến giờ, bà Thúy biết quả thật ông Hưng có việc riêng nên cũng không dám nài ép... , chỉ nói thêm:

-  Vậy dịp khác thầy lên đây chơi lâu hơn nhé! Bây giờ để em đi lấy lá thư của Hạnh đưa thầy!

   Thúy bước ra sau một lát trở vào, cái bao thư cũ toàn bộ đã được cho vào một bao thư khác mới hơn.Người nữ chủ nhà tiễn khách về với vẻ mặt thư thái, như ... trút được một gánh nặng trong lòng. Rồi chợt cái chất "học trò” hình như còn sót lại nơi người đàn bà đã trung niên, bà Thúy cười và cất tiếng hỏi... vớt vát thêm:

-  Nếu đêm mãn khóa thầy có mặt và chúng ... em yêu cầu thì thầy sẽ ... hát bài gì vậy thầy? - Ông Hưng cũng đâu có vừa(!) khi bước ra khỏi cửa ông vừa cười mĩm vừa trả lời:

-  Tôi sẽ hát bài... "Riêng Một Góc Trời”... .- Người ta chỉ thấy bà Thúy giương đôi mắt sáng tròn xoe!        

Ông Hưng bước hơi nhanh, giờ đây trong ngực áo ông như trĩu nặng lá thư của mấy mươi năm về trước... .Chuyện mối mọt gậm nhấm sách- báo ông cũng đã từng là... nạn nhân. Không có ai lạ gì đâu!Cái đám sâu mọt này ghê lắm,ăn rỗng ruột từ bên trong, còn bên ngoài vẫn thấy như không có gì! Ngày trước, cũng trong căn gác trọ bằng gỗ ven kênh Thị Nghè – lúc ông còn tạm được "lưu dụng” tại một cơ quan thuộc Bộ Nông Nghiệp miền Nam – ông cũng đã từng gặp chuyện giống như vậy. Trong đợt đi "lao động tập thể” khoảng một tháng ở Cà-tum, thuộc tỉnh Tây Ninh, khi trở về cái rương gỗ rẻ tiền của ông mà sinh viên ngày xưa hay dùng cũng đã bị đám mối tấn công. Thế là sách, vở, mấy cuốn báo trường, và... mấy lá thư "đặc biệt” với vài tấm hình đen trắng (chụp ông ở tháp Bà và hàng thùy dương ven biển Nha Trang trong một chuyến công tác vào cuối năm 74) coi như chỉ còn là... vết tích!Đúng là "thời nào họa đó”, ngày trước là giấy thì gặp mối mọt, bây giờ ngay cả khi lưu vào USB hay ổ cứng máy vi tính, nếu sơ sẩy một chút vẫn có thể bị... virus "ăn” sạch như thường!!  Thôi, ông mau mau bước để còn trở về nhà đứa con trai lo cho xong cái đám cúng thôi nôi... .             

    Mãi đến chiều tối đám cúng thôi nôi mới xong, vì buổi trưa dành cho khách người lớn, họ hàng,chòm xóm, buổi chiều khách là bạn bè cơ quan của đứa con. Tất nhiên ông Hưng cũng có uống ,vừa rượu lại vừa bia – hai thứ này mà pha lại trong bụng thì "mệt” lắm! – cũng may  vì là người lớn nên ông được quyền ngưng sớm, chỉ còn đám trẻ mới vui vẻ đến tối.(Riêng hồi trưa này ông đã tranh thủ đi ra sau lấy lá thư ra xem qua rồi, thật tức cho cái đám mối, mọt...!) .Đứa con trai đưa ông lên một cái phòng nhỏ trên lầu, nói là để ông nghỉ cho khỏe. Nhưng ông đâu có... "mệt” gì cho lắm! Ông ngồi vào bàn, lấy lá thư trong túi áo ra. Ngày đó giấy viết đã không được trắng, bây giờ qua thời gian nó lại càng vàng ố thêm. Ông Hưng nhớ lúc trưa Thúy có nói rằng : "Đã lấy lá thư ra đọc (vì Hạnh có ... cho phép) sau đó sơ ý để lại không cùng một chỗ trong quyển sách, kết cuộc bài thơ bị hư hại nặng, riêng lá thư còn khá nguyên vẹn...”

    Lá thư có ngày tháng đúng vào ngày làm lễ mãn khóa, vậy là có thể Hạnh nghĩ rằng ngày đó ông Hưng cũng sẽ có mặt chăng(?).

    Thưa thầy, Hạnh sắp có việc phải đi xa... .Hôm nay viết thư để xin lỗi vì đã nói dối thầy. Vào đêm Trung Thu có tổ chức đốt lửa trại, thật ra về bài thơ định dán lên hàng cây bên khu trường Luật, Hạnh vẫn còn giữ nên có gởi kèm theo đây để thầy xem và... toàn quyền quyết định, nếu có dở thì xin thầy đừng cười. Hạnh cũng đã qua rồi cái thời tuổi trẻ mộng mơ !Hạnh cũng tiếc rằng hôm đám giỗ thầy đã không đến nhà dự được. Giờ này Hạnh chỉ có một con đường để đi và đến mà thôi. Xin chúc thầy và các bạn một đời hạnh phúc.                      

        Ngân Hạnh.

    Đọc xong thư ông Hưng thấy có hai điều đáng suy  ngẫm: thứ nhất ông "toàn quyền quyết định”, vậy có nghĩa là ông được quyền đưa cho người bạn tên Thành đọc? Thứ hai "chúc thầy và các bạn”, bạn ở đây là bạn của ông hay các bạn của Hạnh? Sẽ khó mà có được lời giải đáp cho thỏa đáng, người viết thì mãi tận phương nào, không biết giờ này ra sao, còn lá thư đã được viết từ mấy mươi năm rồi ! ... .

    Đến bài thơ lại càng...  bi đát hơn. Giống mối là vậy, gậm nhấm đến đâu là đem theo đất đến đó để giấu kín, để che đậy. Màu đất đỏ loang lỗ trên mặt giấy vàng ố, cả bài thơ sáu câu lục bát giờ chỉ còn khoảng hơn hai mươi chữ! Ông Hưng lấy giấy và viết ra bắt đầu dò tìm từng con chữ, giống như thời đi học, làm bài tập ngữ vựng vậy, tìm những chữ thích hợp, điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa!.Mày mò mãi ông cũng "làm” xong sáu câu thơ, trong lòng thầm nghĩ: " Không biết tác giả thực sự của bài thơ có đồng ý với chữ nghĩa của mình không?” Ông định bụng sẽ gởi cho anh bạn tên Thành xem – vì được "toàn quyền quyết định”! - và rồi nhờ anh ấy gửi lên báo điện tử hoặc trang web nào đó – người bạn này hay viết bài gởi báo lắm! – với hy vọng mong manh như "sương sớm đang chờ nắng mai”, vì biết đâu nơi phương trời nào đó có "người” đọc được và... lên tiếng!? Thế là ông cặm cụi chép lại bài thơ, chữ nào mới tìm ra và thêm vào được ông viết nghiêng... .

                   Chỉ là mây trắng.

                   Chỉ là mây trắng ngang trời.

                   Chỉ là trăng sáng bên đời đêm mơ...

                   Chỉ là một thuở tình thơ.

                   Chỉ là sương sớm đang chờ nắng mai...

                   Chỉ là tan hợp bèo mây.

                    Chỉ là chiếc lá hao gầy cuối thu...

    Xong công việc, giấy, viết, cả hai cái bao thư mới và cũ ông để lại trên bàn. Riêng bài thơ nguyên bản và lá thư được ông xếp nhẹ nhàng, vuốt phẳng phiu (vì được viết trên giấy pơ-luya mỏng lại còn chi chít những lỗ do mối-mọt) rồi ông cho vào túi áo sơ-mi, treo lên mắc áo cẩn thận... .

    Ông Hưng lên giường ngủ một giấc thật ngon, trong giấc ngủ ông mơ thấy mình đi đến một nhà thờ thật lớn và tráng lệ vô cùng! Nơi đó ông gặp một... nữ tu đứng tuổi, dáng quen quen, đang từ xa nhìn ông, cánh tay như ra dấu gì đó nhưng không nói năng chi cả.Tuy không nhìn rõ mặt người này , nhưng như bị thôi miên ông lần bước tiến về phía đó... .Chợt một hồi chuông giáo đường ngân vang... .                                               

Ông Hưng thức giấc bởi hồi chuông sớm của nhà thờ chánh tòa thuộc giáo phận X-L, không xa lắm với nhà con trai ông. Hai vợ chồng đứa con cũng đã thức dậy từ lúc nào rồi. Nghe câu chuyện qua lại của cả hai, ông như... ngạt thở khi biết bài thơ gốc và lá thư đã biến thành một ... cục giấy trong túi áo! Trong lúc ông ngủ, đứa con trai biết lúc chiều áo ông bị vài vết dơ nho nhỏ do rượu vang đỏ, sau khi tiếp bạn bè đã... "mệt” rồi lại còn cho áo ông vào... máy giặt! Sáng ra, con dâu ủi áo để cho ông mặc mới biết cớ sự! Ông vốn hiểu "tâm lý” của một số đàn ông mà, sau khi uống "mệt” rồi hay làm ra vẻ mình chưa có sao cả(!), hay làm việc này việc nọ để lấy lòng... "quý bà” ! Ông bèn nói lớn cho dưới nhà nghe:

- Thôi không sao đâu, chỉ có mấy câu thơ ba đã chép lại trên tờ giấy khác rồi!

Tuy nói vậy, nhưng trong lòng ông Hưng vẫn có chút... buồn buồn. Ông tự an ủi, miền đất này là nơi viết ra và rồi cũng là nơi... trở về của "bài thơ năm cũ” ! ./.

*

Huỳnh Văn Huê

TRĂNG SÁNG BÊN ĐỜI  phần cuối  hay CHỉ LÀ MÂY TRẮNG                                        

 

  (Hay CHỈ LÀ MÂY TRẮNG… .) 

   Xong đám thôi nôi đứa cháu, trên đường về, một lần nữa ông Hưng lại ngang qua ngả rẽ vào nông trường Phước An… Bao kỷ niệm xưa ngồn ngộn trở về như cơn mưa đang  trút nước ngoài cửa xe. Chung quanh cảnh vật trở nên nhạt nhòa-mờ ảo dưới làn mưa trắng xóa, nhưng trong lòng ông, kỷ niệm của những ngày xanh trong cuộc đời lại hiện rõ hơn bao giờ hết… .

    Hôm qua lúc gặp lại Thúy, ông đã hiểu thêm hầu như chắc chắn là Thúy chưa biết hết về chuyện của Ngân Hạnh ở khóa học tại  Phước An… . Hồi đó… .

                                               *      *      *

    Hưng chỉ là chàng trai hai mươi mấy tuổi, chưa hề vướng bận chuyện gia đình riêng tư. Tuy hoàn cảnh chung lúc đó đang khó khăn, nhưng có ai ngăn cản được những  trái tim nồng ấm đang tìm nhau để hòa cùng nhịp đập!? Có hình như một mối tình đã đến với Hưng lúc còn đi học thì vì… cách xa (?)nên cũng đã … trôi qua rồi! Không có ai "thề non hẹn biển” với ai cả !

    Sau Trung Thu một ngày, trăng vẫn còn sáng tỏ,chỉ duy có điều trăng lên hơi muộn một chút thôi. Vào buổi tối, trời trong vắt như hôm nay, ánh trăng như tuôn chảy, tưới thấm đẫm những chiếc lá, cành cây, một thứ ánh vàng huyền ảo, lung linh... . Vào lúc này, bên trại của học viên vang lên tiếng cười, tiếng đàn hát vui vẻ. Bên trại của Hưng buồn hiu vắng lặng, có hai người sinh viên thực tập ở phòng bên thì đã về lúc trưa rồi.Gần đó là trại của cán bộ nông trường, toàn là những "chú” gần đến tuổi hưu, về đây từ các miền Bắc, Trung ,Nam... . Không biết có phải Hưng ngán cái món trà Thái Nguyên( uống vào thật tuyệt nhưng lại làm mất ngủ đến sáng) hay không mà rất ít dám đến thăm các "chú”vào buổi chiều tối!  Buồn buồn Hưng ra ngoài đi dạo và ngắm trăng, bước từng bước nhỏ trên con đường mòn tỏa ra từ trung tâm điều hành nông trường vốn được nằm trên khu đất đẹp, rộng và cao ráo. Những cơn gió trời mát rượi lướt qua, mang theo đến cái hương thơm vô cùng dễ chịu của đất và hơi ẩm của nước, của cỏ cây, hoa lá từ cánh đồng tít tắp dưới thấp... .Trong lòng Hưng vẫn chưa quên câu chuyện hôm qua khi ngồi ở góc sân,gần bên đống lửa trại với ma-sơ Hạnh. Phải chăng có một sự ngộ nhận từ phía Hạnh? Ban đầu Hạnh đã tưởng rằng Hưng chính là người viết tên H. lên hàng cây ven con đường đi đến khu trường Luật. Như vậy bài thơ Hạnh viết định dán lên hàng cây là dành cho... ai ?? Đang suy nghĩ vẩn vơ, mông lung, chợt có một cô gái từ phía dưới giếng nước đi đến, mặc bộ đồ vải "thương nghiệp”sẫm màu, quần xắn đến gối, tay đang xách một xô nước khá nặng. Vì đi ngược chiều nhau, chỉ thêm mấy bước nữa là cả hai đã rõ mặt. Đó là... ma-sơ Hạnh. Tuy có ngạc nhiên – suýt chút nữa thì không nhìn ra - vì lần đầu tiên gặp Hạnh mặc thường phục, nhưng Hưng vẫn kịp nói:

- Đường xa lại phải lên dốc, sao... Hạnh lấy nước chi đầy quá vậy? – Hạnh thở hơi... gấp, có lẽ cũng khá mệt, đứng lại và đặt cái xô nước xuống đất, trả lời:

- Đây là xô nước thứ... hai rồi đó! – Hưng hỏi tiếp nhưng trong lòng lấy làm lạ, vậy có nghĩa là Hạnh qua lại trước "nhà” Hưng ít nhất đã một lần rồi:

- Lấy nước chi nhiều cho ... mệt vậy?! – Thật tội nghiệp, cái bàn tay với những ngón dài thon thả khéo léo vén mớ tóc mai đã thấm mồ hôi, Hạnh trả lời:

- Chị, em bạn gái đông, để sáng mai cùng nhau... rửa mặt khỏi đi xa. Thôi, nếu vậy để nghỉ mệt một chút. – Nói xong , Hạnh lui vào bên đường, ngồi xuống một thân cây, bàn tay làm động tác như một cái ... quạt giấy! Có lẽ lúc khai phá nông trường người ta đã hạ thân cây xuống nhưng chưa đem đi.

    Ngày đó cuộc sống nói chung còn khó khăn lắm, ai đã trải qua chắc hẳn hãy còn nhớ! Riêng cuộc sống ở nông trường xa xôi này lại càng khó khăn hơn nhiều lần... .Điển hình một chút thôi là chuyện nước sinh hoạt, có một cái giếng lớn nước rất tốt, tất nhiên phải ở dưới vùng thấp và do vậy hơi xa trung tâm. Bình thường không nói gì, nhưng khi tập trung thêm vào đây cả trăm con người thì là một vấn đề nan giải... . Buổi chiều sau khi xong việc, đám con trai phải chờ đám con gái được...  ưu tiên tắm trước! Đến phiên mình thì trời đã tối rồi, thế nhưng cũng đâu có luôn luôn không gặp trở ngại. Có khi nước mạch chảy ra không đủ lại còn phải tiếp tục... chờ nữa !! Vì thế nên chuyện đến tối rồi còn đi lấy nước là vẫn thường xảy ra thôi... .

    Thấy Hạnh đã ngồi xuống, Hưng nghĩ ngay đến một thắc mắc mình còn vương vấn trong lòng nên cũng ngồi xuống cạnh bên, tuy không quá gần nhưng cũng đủ cho một cuộc chuyện trò trong đêm trăng không kém phần thơ mộng và thi vị. Biết rằng ngồi lâu sẽ bất tiện cho cả hai, Hưng lên tiếng trước, tuy chưa đi thẳng vào vấn đề chính:

- ... Lần đầu tiên thấy Hạnh như ... thế này,... lạ quá! Có lúc Hạnh được phép mặc đồ thường hay sao? - Giống như một cô học trò giỏi, viết chữ ... đẹp, được thầy hay  cô xem tập vở vậy. Hạnh tự tin trả lời với chút ví von rất thời sự và... ý nhị:

- Những lúc sinh hoạt riêng tư thì cũng không gò bó lắm đâu !Thầy không thấy thời  bây giờ... thay đổi nhiều lắm rồi sao? Hơn nữa, cũng như phải có người giới thiệu, phải là cảm tình đoàn trước rồi mới "phấn đấu” nhiều nữa để trở thành... đoàn viên! Trên đường tu học, Hạnh chỉ mới đang ở... bước đầu thôi! – Hưng gật gù, trong lòng thầm... phục cái lập luận của ... "cô” sinh viên Văn khoa năm thứ nhất. Và từ đầu đến giờ có lẽ Hạnh cũng thấy hôm nay "thầy” Hưng không gọi mình là ma-sơ nữa! ( Và Hưng cũng thấy hôm nay Hạnh không còn xưng hô "trống không” với mình nữa ) – Rồi làm ra vẻ tự nhiên, Hưng hỏi tiếp:

- Còn... bài thơ lúc trước kia định dán lên gốc cây, Hạnh đã... nhớ chưa ? – Có lẽ Hạnh thừa thông minh (và có chuẩn bị trước) để đón chờ câu hỏi này(!?) nên lại ... hẹn lấp lửng :

- Thì... thầy còn ở đây mấy ngày nữa mà, sẽ còn dịp để... "nhớ”(?) mà! Thôi bây giờ Hạnh phải đem nước về... . – Mặc dù chưa thỏa mãn với cách trả lời như vậy, nhưng Hưng vẫn biết bây giờ mình nên phải làm gì, bèn cùng đứng dậy và nói:

- Để tôi giúp Hạnh một tay... – Hưng tìm gần đâu đó được một cái cán cuốc gãy, cúi xuống xỏ vào quay  của xô nước.Động tác này cũng nhanh và tuy không cố ý, Hưng phải vội quay nhìn sang hướng khác, nhưng dù sao cũng đã thoáng thấy qua ánh trăng đôi bắp chân trần  trắng muốt...  Và rồi cả hai cùng khiêng xô nước trở về khu nhà, nhẹ nhàng hơn trước nhiều... .

Lúc gần đến trại chợt Hạnh nói qua hơi thở, có lẽ do ... mệt vì xách nặng lúc ban đầu(?) :

- Qua hơn tuần nữa nhà có đám giỗ, vào ngày... , Chủ Nhật, mời thầy... xuống nhà chơi? Nhà có...  người anh đi ... lính Hải quân, ảnh hiền lắm, cũng trạc bằng tuổi thầy... – Hưng chỉ nhìn Hạnh chưa kịp nói gì, hiểu ý Hạnh nói nhỏ và nhanh:

- ... ... Nếu thầy xuống được,... mai sẽ chỉ nhà cho thầy biết... !

    Khi về đến trại – khu vực duy nhất có ánh sáng điện nhờ vào máy phát – được thắp sáng bởi chỉ vài bóng đèn có công suất thấp, nhưng so với nhà dân phía xa, dưới cánh đồng hãy còn leo lét ánh đèn dầu, nơi đây được xem là có... tiện nghi lắm rồi! Khi trông rõ mặt hai người, cả đám " học trò” : nam có, nữ có, cùng nhau vỗ tay reo hò, tán thưởng vì thấy "thầy” Hưng đã có hành động hòa đồng, hết lòng vì... mọi người. Nhưng Hưng làm sao không hiểu được ẩn ý của những tiếng hò reo này. Những cô cậu này làm ... "ầm ỉ” như vậy vì thấy Hưng và Hạnh cùng mang xô nước về thôi!!

    Ngày hôm sau, vào buổi tối... .Hưng đang ngồi xem lại giáo án thì có... khách : một học viên nam, hai học viên nữ ( trong đó đương nhiên có ... Hạnh). Hưng vô cùng bất ngờ và cảm động, thấy nồng nồng ở mũi khi biết cả ba người thay mặt các anh, chị em khóa học đến cám ơn và tặng quà vì"thầy”sắp hết môn học, phải chia tay, đồng thời cũng đưa ra mấy quyển lưu bút. Quà có gì đâu (so với bây giờ!) : hai ký đường và hai ký đậu xanh  - đậu xanh của Hạnh, nói là ở nhà có tỉa đậu nên đem lên -. Đến giờ Hưng mới nói được nên lời:

- Tôi... rất cám ơn, nhưng "tiêu chuẩn nhu yếu phẩm” của học viên mỗi người một tháng có mấy... lạng đường! Thôi để lại nấu chè đậu xanh ăn với nhau đi! – Cả ba người vẫn kiên trì nài nỉ... . Riêng Hạnh có nói mình sắp không tiếp tục dự khóa học nữa, thầy  nhận chút quà thể hiện ... tấm lòng của  mình và... gia đình. Nghe vậy Hưng cũng thầm thắc mắc lắm, nhưng có lẽ vì đã có những suy nghĩ mới đến trong đầu lúc nãy, nên kịp... dằn lòng không hỏi gì cả. Sau cùng Hưng phải ra điều kiện:

- Nếu nhận đường và đậu xanh thì tôi sẽ... không viết vào lưu bút đâu! – Cả ba người chợt trở nên... "khô khốc”, cái nét sôi nổi, nghịch ngợm của "học trò” đã... biến đâu mất! Đành đưa mắt nhìn nhau ngầm hội ý. Cuối cùng phần thắng nghiêng về phía... Hưng.

    Khi mọi người ra về hết, Hưng lần dỡ từng quyển lưu bút, cũng giống như những quyển lưu bút của Hưng và bạn bè thời... trung học đệ nhất cấp, chỉ có điều những trang giấy trắng hiện giờ, giấy đã không được... trắng cho lắm! Đến quyển lưu bút của Hạnh, Hưng thấy trong đó – như là một kiểu giao lưu với bạn bè - có ghi địa chỉ và cả hình vẽ hướng dẫn đường đến nhà của Hạnh... .

    Còn lại một mình, Hưng lại... suy nghĩ mãi về bài thơ Hạnh đã viết năm nào... . Bài thơ dành cho một "hành động”, một cách tỏ tình thời tuổi trẻ, sôi nổi và đầy ấn tượng của... anh Thành . Nhưng con người của hành động trên – ngay chính thời điểm đó -  lại được ngộ nhận là... Hưng, và về sau chính Hưng lại có dịp tiếp xúc, gần gủi, bộc lộ cái "con người” của mình(!). Không biết có ... dối lòng không, nhưng Hưng cho rằng như thế bài thơ Hạnh viết là không dành cho... hai người, mà dành cho một người không hiện hữu (?), từ cả hai... hợp lại! Vậy tốt nhất từ đây về sau không nên nhắc lại bài thơ với Hạnh làm chi. Hơn nữa Hạnh bây giờ không còn là một cô sinh viên của ngày xưa, mà là một... ma-sơ . Nghĩ như vậy nên ngày mai gặp Hạnh, Hưng có ý định sẽ nói rằng mình bận việc gì đó không đến dự đám giỗ sắp tới được... .Và gần như là để... bù lại, Hưng  cho các học viên biết vào ngày lễ mãn khóa mình sẽ hết sức cố gắng thu xếp mọi công việc để về dự.( Thế nhưng Hưng đã... không về, Hạnh đành phải đưa bài thơ cho người bạn gái tên Thúy, nhờ nếu có dịp thì đưa tận tay Hưng!... )      Đến đây Hưng mở mấy quyển lưu bút ra, cũng phải suy nghĩ một chút rồi viết vào đó những dòng chữ thích hợp nhất. Đến lưu bút của Hạnh, Hưng có chút trầm tư, đắn đo, sau cùng cũng đặt bút vào... " Chúc Hạnh được an lành, hạnh phúc, đi đến nơi đến chốn trên con đường mình đã chọn... .Dù nơi chân trời- góc bể, ta hãy dành chút phút giây về những kỷ niệm ngày xanh, mãi mãi rạng rỡ nơi lòng những người biết... nghĩ về nhau ... !”

    Thời gian sau đó, Hưng có dịp gặp lại một học viên - họ hàng hơi xa với gia đình Hạnh. Người này cho biết rằng anh của Hạnh nguyên là một... người lính Hải Quân, rất giỏi về cơ khí hàng hải. Trong những ngày biến động của tháng 4 – 1975 anh ấy đã qua đến đảo Guam rồi lại... quay về vì không yên tâm và... nhớ nhà, rồi không biết có phải nhờ vậy  mà chỉ học tập cải tạo không lâu lắm(?). Nghe nói chỉ một thời gian  sau đám giỗ  - và có lẽ cũng là sau lễ mãn khóa học tại Phước An - ,có nhóm người ở Chợ Lớn, tổ chức... đi ra nước ngoài đã nhờ anh của Hạnh giúp vận hành và bảo trì máy tàu. Người nhà và người thân quen của gia đình Hạnh nếu ai muốn đi thì có "tiêu chuẩn” đi theo đến bốn, năm người không phải đóng góp gì hết... .

                                             *      *      *

    Cơn mưa đã dứt hạt từ lúc nào... .Đến một đoạn đường khác thì vùng này lại... nắng chói chang, rực rỡ. Người ta đã quen với kiểu mưa, nắng của miền đất này rồi, mưa "nhiệt đới” mà! Có khi hai vùng có mưa và không  mưa chỉ cách nhau vài... cây số, thậm chí chỉ vài trăm mét! Xe đã về đến vành đai của thành phố: giờ cao điểm, xe cộ, con người đổ ra đường đông nghẹt, mọi người hối hả, hấp tấp, nhất là khi muốn bù lại thời gian đã mất vì tránh đoàn xe lửa vừa ngang qua. Chiếc xe chậm lại rồi dừng hẳn trước cổng một "ngôi trường tình thương” .( Trường học do các tôn giáo lập ra để dạy học miễn phí, kể cả cung cấp bữa ăn cho trẻ em nghèo lang thang. Chủ yếu là giúp các em bất hạnh này biết đọc, biết viết... ).Có bốn đứa trẻ đang căng hai sợi dây ngang qua đường để tạo một hành lang an toàn cho đám bạn mình đi qua. Có lẽ chúng được hướng dẫn đi tham quan đâu đó ở gần đây, thật tội nghiệp, đứa lớn đứa nhỏ, không cùng tuổi tác và cũng không có... đồng phục gì hết! Người hướng dẫn là một... nữ tu... . Tim ông Hưng... đập mạnh, cây dù che nắng đã khiến ông không nhìn rõ mặt... ,nhưng sao dáng bên ngoài giống ma-sơ Hạnh quá... !

    Rồi hai sợi dây được thu hồi về, đám trẻ đi qua xong, con đường thông suốt  trở lại. Lúc xe trờ ngang, quên cả phép... lịch sự, ông Hưng gần như muốn dán ... mũi mình vào kính xe để nhìn cho rõ! Ma-sơ đang mĩm cười hiền từ, nói gì với ... một đứa nhỏ chậm chạp nào đó. Nụ cười hiền rất duyên giống như... ma-sơ Hạnh, nhưng vị nữ tu này  chỉ ở độ tuổi lúc Hạnh còn là một cô sinh viên Văn khoa thôi! Ông Hưng ngồi ngay ngắn trở lại nơi vị trí của mình trên xe, nét mặt thoáng chốc trở nên trầm tư, sâu lắng... Trên xe từ lâu đã phát ra mấy bài hát rồi, nhưng ông có nghe được bài nào là bài nào đâu! Nhưng chợt ông như... nín thở lắng nghe, có một giọng nữ cất lên với bài "BAY ĐI CÁNH CHIM BIỂN” thiết tha, dìu dặt...  .

    Về đến sân nhà rồi, trước khi bước vào cửa chính, không biết có phải vì đã lâu lắm rồi mới được nghe lại bài hát ưa thích cũ. Hay là chính vì... dáng dấp và nụ cười hiền từ của một ma-sơ xa lạ, tuy tình cờ mới gặp ngoài đường nhưng đã khiến ông Hưng có một cảm giác bâng khuâng khó tả... . Bước bằng những bước chân như lạ lẩm trong chính khuôn viên nhà mình, bên tai ông hình như còn văng vẳng lời hát da diết, u hoài của một người sắp ra đi... . Tiếng hát ngọt ngào như hòa quyện trong tiếng sóng, tiếng vỗ cánh của một loài chim biển, được vọng đến từ một nơi xa vào đêm trăng sáng... ./. 

(Huỳnh Văn Huê)

Category: My articles | Added by: luongthaisy (05.13.2011)
Views: 646 | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Tác quyền của HUỲNH VĂN HUÊ
Cấm sao chép