HUỲNH VĂN HUÊ
hãy cho đi để được lại
Monday, 05.06.2024, 10:35 PM


  
Main Publisher Log outLogin
Các chuyên mục

Main » Articles » My articles

DƯ ÂM WORLD CUP-ĐỨC ÔNG NỔI GIẬN-MỐI TÌNH THẦM LẶNG

DƯ ÂM WORLD CUP

     Ngày đó ở Trái Đất có trò thể thao gọi là … đá banh, hay còn gọi bóng đá. Nếu là dân ham mê thể thao thì không nói làm gì, chính vì dân đỏ đen cờ bạc tham gia vào mới sinh ra lắm điều phức tạp! Tệ nạn trộm cướp ăn theo, rồi đến nhảy sông, nhảy lầu vì thua độ!... . Bên trời Tây có chú bạch tuộc tên Paul trổ tài đoán kết quả các trận World Cup bằng cách … ăn thức ăn ( ở cái hộp có dán hình lá cờ của nước nào thì đội bóng của nước đó thắng). Vậy thì … dễ ẹt !! Rồi đến chú vẹt Mani bên xứ Singapore cũng tương tự như vậy. Cũng có khó khăn gì đâu ?! Thế mà dân tình tứ phương ai ai cũng bái phục, nhất là … dân cá độ. Trong một cái quán cà phê bình dân ở đầu hẽm nọ, sáng nào cũng hội tụ đầy đủ những anh chàng "bán cá” qua … điện thoại di động! Ai cũng ao ước có được Paul hoặc Mani để tha hồ chủ động … bắt độ (và thắng lớn, giàu to!).

     Cạnh quán cà phê là nhà ông Tư, hiện làm nghề … vá xe đạp cho đám học trò ở ngôi trường cũng gần đó. Đang vắng khách, ông bèn qua quán kêu cà phê uống rồi tham gia luôn:

-        Tui thấy con vẹt "bắt”(đội bóng) Hà Lan và con bạch tuộc "bắt” Tây Ban Nha không có gì hay cả! – Hết thảy mọi người ai ai cũng trố mắt nhìn ông, làm như ông là người … "ngoài hành tinh” vậy… . Để chứng minh , ông Tư qua nhà mình mang qua một cái lồng chim, bên trong là một con chim giống gì không biết, xơ xác, tàn tạ như chủ nó vậy. Tay cầm mấy lá bài cũ và cũng không đủ bộ, miệng ông cất giọng khàn khàn: " Cô Ba chủ quán làm ơn cho xin mấy … hột cơm cháy (?!)” – Mọi ánh mắt trong cái quán chật hẹp đông người đều hướng về… một phía. Cô Ba chủ quán là người khôn ngoan, thừa biết đây là dịp may hiếm có để quán mình thu hút thêm khách hàng, nên mau mau đáp ứng ngay yêu cầu của ông ta… .Thấy mình đã gây được sự chú ý, ông tiếp:"Sắp tới ai cũng biết Hà Lan và Tây Ban Nha tranh ngôi vô địch World Cup mùa 2010 ”.( Câu chuyện này dĩ nhiên được kể lúc trận chung kết chưa thi đấu ). Sau khi ho khan một tiếng như… lấy giọng:

-        … Và báo chí đưa tin con bạch tuộc đoán rằng đội bóng Tây Ban Nha thắng?! Để xem… con chim của tôi đoán thế nào đây?

Ông nhanh nhẩu lấy ra hai lá bài cũ, viết sau lưng mấy lá bài các dòng chữ: TBN (Tây Ban Nha) và HL (Hà Lan), xong xuôi ông để hai lá bài cạnh cửa lồng và lớn tiếng hỏi… con chim:

-        "Củ kiệu” – tên của con chim – mầy đoán đội nào thắng? Để xem mầy đoán có giống con Paul hay con Mani không? – Xong ông ta để hai hạt… cơm cháy lên hai lá bài và mở cửa lồng chim. Con chim nhanh nhẩu còn hơn chủ nó, nhảy ra mổ hạt cơm trên lá bài có chữ TBN rồi rút êm vào lồng, không đoái hoài gì đến hột cơm còn lại! Mọi người trầm trồ, xôn xao… . Hứng chí, ông Tư lấy hai lá bài khác và chỉ mất không quá 3 giây, viết lên mỗi lá bài bằng tiếng… Anh: Spain và Netherlands ( Lão Tư vá xe đạp mà còn viết được như vậy nhưng nghe đâu hiện giờ có người lấy "bằng” Tiến Sĩ bên… Mỹ nhưng nửa chữ tiếng Anh cũng không biết!). Rồi ông cười cười nhìn hết mọi người:

-        Bà con xem đây! Con vẹt và con bạch tuộc làm sao giỏi bằng con chim của tui, tụi nó đâu biết… "ngoại ngữ” của tụi nó là tiếng… Việt? Trong khi con "Củ Kiệu” của tui biết ngoại ngữ (đối với nó) là tiếng… Anh ! – Rồi không biết do thật thà hay do muốn… "nổ”, ông còn cho biết con chim của ông còn đọc (thầm) được tiếng Pháp, tiếng Đức. Sau đó ông Tư cố tình bằng một động tác chậm rãi (cho mọi người đều nhìn thấy!), đổi vị trí hai lá bài và tiếp tục để hai hạt cơm cháy lên. Cửa lồng lại được mở ra, con chim nhanh chóng lượm ngay hạt cơm trên lá bài có chữ "Spain” !!!

Không khí trong quán dường như… nóng lên, có ly cà phê đã xuống đến giọt cuối cùng nhưng không thấy ai uống. Có mấy tay cá độ biết nắm bắt thời cơ, có tính nhìn xa trông rộng, định "đi tắt đón đầu”. Họ đã đánh tiếng muốn thuê con "Củ Kiệu” để làm ăn lai rai tại các giải Anh, Pháp, Ý, Nam Mỹ… trong khi chờ hai năm tới: năm 2012 sẽ "đánh” cái vụ Euro Cup! Trong bọn họ lại có người quả quyết, nếu con chim này được đưa ra… nước ngoài, nó có giá lên đến tiền … triệu đô la.

     Đến đây ông Tư mới có thì giờ ngồi xuống làm một ngụm cà phê nguội và… đắng nghét vì… quên bỏ đường! Ông nhăn mặt:

-        Cô, bác biết không?! Ông cố tôi khi xưa ngoài xứ làm nghề… bói chim. Tức là nhờ chim lựa lá bài thích ứng với thân chủ đến xem bói để… tạo lòng tin, rồi sau đó bói gì cũng … trúng hết! – Bỏ chút đường vào ly cà phê, làm một ngụm nhỏ, ông Tư nói tiếp:

-        Đến đời tui thì đã hoàn toàn… giải nghệ! Nhưng vì nhớ đến tổ tiên, đây là con chim cuối cùng tôi nuôi dạy cho vui thôi. Nói thiệt con chim đã bị … nghiện ! Xưa kia người ta cho chim nghiện thuốc phiện, về sau này để đơn giản hơn, dễ kiếm hơn và nhất là cũng không… phạm pháp, người trong nghề cho chim nghiện…  thuốc lá (!). Đó là chất nicotin trong thuốc lá mà ai cũng biết. – Tiếp tục làm một ngụm cà phê nữa, trong lúc mọi người im phăng phắc chờ đợi, ông nói thêm:

-        Và có lẽ có người cũng đoán tại sao tui dùng mồi là cơm cháy rồi, vì cái thứ nước cốt thuốc lá ai cũng biết nó có màu vàng của… cơm cháy! Trong lúc lo tập trung chú ý đến kết quả của "thầy bói” chim, có ai còn lòng dạ nào mà để ý đến… mồi, hột cơm nào lại không giống… hột cơm! Ai ai cũng lo tập trung đến cái kết quả lựa chọn của con chim mà thôi, đúng không ? – Ngưng nói một lát, đưa ánh mắt tinh ranh lướt qua một lượt những đôi mắt sáng có, đục cũng… có, những cái miệng há hốc… , ông mím môi ý nhị nói tiếp:

-        Mà nếu trong lúc cho chim ăn, có ai thắc mắc chuyện cơm cháy, cơm trắng, tôi cũng có nhiều cách… hóa giải ! Nhưng tui khộng nói hết ra đâu, vì như vậy khác nào "vẽ đường hưu chạy”!

Đến đây mọi người trong quán quay sang cùng nhau bàn tán xôn xao… ,và tuyệt nhiên không còn nghe ai hỏi… thuê con chim nữa! Thấy mọi người đã hiểu ra sự việc, ông Tư hạ thấp giọng một chút:

-        Tôi để hột cơm có nicotin lên lá bài nào thì đương nhiên con chim… ghiền sẽ mổ hột cơm đó. Cô, bác chỉ chú ý đến chữ TBN, HL – hoặc hình hai lá cờ - chớ đâu có chú ý đến hai hột cơm cháy (hoặc hai miếng mồi nào đó) có hình thức bên ngoài giống nhau?! Các con vật được nuôi kỹ và được huấn luyện chỉ "thích” miếng mồi dã được chuẩn bị sẵn chớ đâu có thích cái vật dụng đựng món mồi làm chi cho mất… thời gian?! Trong khi trước khi biểu diễn tụi nó đã bị … "bỏ đói”! – Đám đông đã hiểu đầy đủ ý nghĩa những gì ông Tư muốn nói, ai nấy bắt đầu thấy… "lạnh chân” nên không còn xúm xít quanh chiếc lồng chim nữa, trở về chỗ cũ, bắt đầu thưởng thức những ly cà phê lạnh tanh… . Rõ ràng, nếu thực sự có con vật nào có biệt tài ngoại cảm, nội cảm gì đó thì làm sao còn có thể đoán sai đến 20% ?! (Báo chí đưa tin con Paul còn đoán sai 20%). Cái sai này chỉ có thể do người lén lút điều khiển nó bị… sai mà thôi! Bây giờ trong quán có người thở dài, chắc lưỡi, tiếc cho số tiền đã thua cá độ lâu nay. Rồi có người lại hỏi, nếu ông Tư không "áp dụng” con chim sao không phóng sinh nó cho rồi? – Cười buồn thiu ông đáp:

-        Đã thử mấy lần rồi, nó nghiện thuốc lá nặng quá. Cô, bác thấy nó xơ xác vậy đó, giống chim này có thể sống đến mười năm, nó mới ba tuổi mà nhìn như gần… hết "đát”! Có lần tôi thử thả nó ra, tội nghiệp, nó cứ tìm đến nơi có dán giấy "cấm hút thuốc”( lại là nơi được… hút thuốc nhiều! )  để tìm… khói thuốc không hà ! Bộ xương như nó có ai thèm bắt, chỉ sợ sa chân gặp phải… chó, mèo thôi!! Chắc tôi phải cai thuốc lá cho nó trước cái đã… .

Câu chuyện ông Tư tiết lộ có lẽ ép phê. Từ đó về sau việc cá độ đá banh (ít ra ở xóm này)có vẻ giảm đáng kể, trong số dân cá độ thấy có người lục tục đi kiếm công ăn việc làm, các tệ nạn cờ bạc cũng bớt đi được phần nào… . Đặc biệt quán cà phê bình dân của cô Ba vẫn đông khách… bình dân như ngày nào, nhưng khói thuốc lá hình như cũng có phần giảm đi. Trong số khách ruột của quán có người còn quả quyết thấy con "Củ Kiệu” có lần bay về thăm… quán(?). Nó đậu trên giàn hoa giấy trước hiên quán, nhìn nó tươi tốt hơn trước nhiều và khi thoáng có chút khói thuốc lá bay về phía nó, con chim cất lên mấy tiếng kêu kỳ lạ rồi vỗ cánh bay đi … ./.

                                       HUỲNH VĂN HUÊ  ( 7-2010 )

ĐỨC ÔNG NỔI GIẬN

 Dù đã là thần, được người dân thành kính tôn thờ nhiều nơi trên đất nước Việt Nam hình chữ S. Ngự mãi ở quê cũng buồn, một hôm vào một ngày cuối tháng 4… , Đức Ông "Lễ Thành Hầu” Nguyễn Hữu Cảnh chợt thấy trong lòng buồn bã… . Ông nói với Đức Bà (cũng thành thần luôn, vì theo lô-gích: vợ của Ông Thần đương nhiên là Bà Thần rồi !):

-         Bà nó nè, cũng đã lâu tôi chưa vào phương Nam, nay tiết trời thuận lợi, để tôi vào trong đó xem dân tình thế nào – Bà Thần nhìn ông thoáng chút âu lo rồi nói:

-  Ông đi thăm dân tình thì cũng phải thôi, việc này lẽ ra còn phải… thường xuyên, tôi đâu dám can ngăn. Nhưng bây giờ có nhiều phương tiện hiện đại, cái gì Ông không biết thì đừng có… đụng vào, nguy hiểm lắm! – Đức Ông cất giọng cười… ha hả, sang sảng trả lời:

-         Cám ơn Bà, nhưng Bà quên rằng tôi đã thành thần rồi. Thần là bất tử, có chết nữa đâu mà sợ. Vì mình đã… chết lâu rồi! Ba trăm mười năm rồi còn gì! Ha… ha… .

Cười xong một hơi dài thật quá… đã. Đức Ông cho gọi tả-hữu vào, ra lệnh chuẩn bị hành trang: người, ngựa, thuyền buồm (!?) đầy đủ. (Những thứ này khi Đức Ông thành thần đã được cấp theo… "chính sách chế độ” lúc bấy giờ). Sau  khi Bà thần đã kiểm tra hành trang xong xuôi đâu đó, Đức Ông cất tiếng tạm biệt Bà, rồi như là một cái… click chuột quang của máy vi tính! Toàn cảnh Quảng Bình biến mất! Thay vào là cả đoàn đang ở trên đất của một tỉnh miền Đông Nam Bộ: nơi có dòng sông tên tuổi " Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai”!

Đức Ông đứng trước mũi thuyền, sau vài cái… ho và hắc hơi, Ông chép miệng:

-         Định đi theo cách mấy trăm năm trước ta đã vào đây, nhưng nếu vậy phải mất… mấy tháng trời. Đành phải dùng phép… thần cho nhanh. Dòng sông Đồng Nai mùa này mưa chưa nhiều, nước vẫn còn một màu xanh như ngọc. (Cả một đoàn người ngựa đông như vậy nhưng vì chúng ta là người trần mắt thịt nên không có nhìn thấy gì đâu nha). Bỗng Đức Ông nhíu đôi chân mày, hít hít mũi… :

-         Cái mùi gì lạ quá vậy?! – Tả, hữu đều đồng loạt thưa lớn:

-         Thưa ngài, mùi này là do khí thải và nước thải của các nhà máy xả ra đó ạ.

Đức Ông ngồi xuống, lấy tay định vốc nước lên… uống. xung quanh mọi người kinh hãi, xúm lại can ngăn:

-         Thưa… ngài, không nên đâu, nước này không uống được đâu! – Vị thần trợn mắt… thần, cao giọng hỏi:

-         Vậy chớ dòng nước quý giá này bây giờ dùng để làm gì? Không lẽ chỉ dùng để… tắm ngựa à? – Đức Ông cất giọng (Quảng Bình) có hơi gay gắt.

-         Thưa… ngài, mười mấy triệu con người vẫn ăn, uống, tắm, giặt… ,sinh hoạt, nói chung sinh sống và hoạt động nhờ vào dòng nước này ạ. – Câu trả lời khiến vị thần biết… chết (lần nữa) liền! Mặt ngài bắt đầu… ửng hồng:

-         Ta từng làm quan, người dân tôn vinh ta văn- võ song toàn. Ta đâu phải như đám thất phu ngu muội-tham lam, phường "sâu dân-mọt nước”, trong cái đám này thế nào cũng có một số tên dù học thật hay học giả đều có bằng… giả . Nhưng mà… . – Ngài dịu giọng đôi chút – ta không thể nào hiểu được?! Nguồn nước  này trước đây ta vẫn uống… vô tư mà?! Trong đám tùy tùng có một tay "trí tuệ” nhất, run run lên tiếng trả lời. (Cũng không có gì lạ đâu, chẳng qua nhờ các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài… , kể cả báo điện tử nên nắm bắt được tình hình mà thôi!):

-         Thưa ngài, bây giờ ở đây người ta bơm nước lên, gọi là nước thô, rồi lắng lọc, cho hóa chất vào tiệt trùng xong rồi mới… sinh… h..o..ạt ạ. – Con thuyền to trôi đi đến một khúc sông khác, gương mặt Đức Ông đã bớt đi nét cau có, nhưng:

-         Các ngươi nhìn sang bên kia sông có cái nhà gì to thật to, ánh kim loại trắng lóe đến… nhức mắt! Trên nóc có cái ống khói cao quá mức đang phun khói lên trời đó. Không cần mắt thần, chỉ cần mũi thường và mắt thường ta cũng thấy nước sông đoạn này có mùi và màu rất khác lạ! – Tả, hữu có kẻ nào đó cung kính trả lời:

-         Thưa ngài, chính vì vậy chúng tiện nhân không dám để ngài uống nước sông này ạ. – Đức Ông vỗ trán cái… "chạch” rồi nói:

-         Ta nhớ ra rồi, cảnh vật nơi này thay đổi nhiều quá, đây là cái nhà làm… ra giấy, sao bây giờ nó còn… to lớn hơn xưa?! Cách đây khoảng gần mười năm, ta vào đây và từng nghe nói đã có kế hoạch di dời cái nhà máy này rồi mà. Và chất lượng nước thô như thế này sau khi lắng, lọc… liệu có đạt chỉ tiêu "an toàn vệ sinh thực phẩm” hay không?? – Đám tùy tùng nhìn nhau lấm lét không dám trả lời. (Xem như đã có… trả lời gián tiếp rồi vậy!!!). Vì việc này có lẽ chỉ có… trời biết, còn nếu chỉ mới là thần thì chưa ăn thua! – Chợt có kẻ nào đó bạo gan nói xen vào thêm… chuyện khác:

-         Thưa ngài, dọc hai bên bờ sông đã thấy lai rai có xác cá chết. Vừa qua ngư dân nuôi cá bè khu vực này đã bị chết hơn năm vạn ký cá. Và theo hiểu biết của tiện nhân, một ký bây giờ nặng hơn một cân thời trước ạ. – Đức Ông gương mặt… đỏ gay trở lại, chặc lưỡi, lắc đầu:

-         Thôi! Là thần nhưng ta bắt đầu thấy… sợ đám hậu bối này rồi! Các ngươi cho thuyền cặp vào bờ và dẫn ngựa lên cho ta!

Lên đến bờ, vì đây là một xã cù lao, bốn bề sông  nước bao quanh, việc giao thông với bên ngoài dựa vào hai cây cầu sắt được làm từ thời… Phú Lang Sa (Pháp). Đức Ông cưỡi ngựa, chầm chậm cùng đoàn tùy tùng thong dong đi trên đường… .Ngài thấy thích thú trước con đường khá rộng, được tráng nhựa phẳng phiu. Chỉ buồn cho con chiến mã già, đi trên đường này nên không có cảm giác… tiếp đất! Xe cộ đủ loại, con người đủ tầng lớp thành phần, xuôi ngược qua lại không dứt. (Nhưng tất cả mọi người không ai nhìn hoặc nghe thấy vị thần và đoàn tùy tùng đâu. Chỉ có ngược lại thôi. Họ nhìn cả đoàn người ngựa chỉ như nhìn vào… không khí!) Giá mà bây giờ là năm 2030, nếu có cả một chiếc xe lửa cao tốc lao xuyên qua đoàn người cũng không… hề gì !! Rồi khi đến một cây cầu sắt, chợt xe cộ, người lớn đi làm, trẻ con đi học… , nhất nhất đều dừng lại hai bên đầu cầu. Đức Ông nhíu đôi chân mày… tướng, đòi tả hữu lại hỏi han sự tình ( Thần cũng có lúc trở lại như… người trần!):

-         Tại sao mọi người đều dừng lại ở hai đầu cầu vậy? – Tả, hửu đồng thanh trả lời:

-         Thưa ngài, mọi người dừng lại chờ xe lửa, hay còn gọi là tàu lửa, khi nào xe lửa qua cầu xong mọi người mới tiếp tục… "tham gia giao thông”.

   Chờ mãi một lúc lâu, tiếng động cơ xe, tiếng cãi lộn inh tai, khói xe lẫn khói thuốc lá mịt mù. Hôm nay không biết gặp chuyện gì mà xe lửa về muộn, mọi người ai cũng khốn khổ trong cảnh kẹt… cầu (khác với kẹt… xe ). Tùy tùng có người chịu không được nữa, lên tiếng thưa:

-         Bẩm Đức Ông! Ngài đã là thần rồi, hơn nữa đâu có ai… nhìn thấy mình?! Đoàn mình cứ đi qua cầu, xe lửa có lao đến cũng đụng vào… không khí có sao đâu? – Không ngờ Đức Ông nạt ngang:

-         Bậy bạ, q..u..á bậy bạ! Ta đây đã từng làm quan, rồi được làm thần, phải làm gương cho dân chúng, không được đứng trên luật pháp luật lệ. Người dân chờ được, chúng ta cũng phải… chờ được! – Thế rồi xe lửa cũng đi qua, Đức Ông cùng đoàn tùy tùng tiếp tục lên đường… .

   Gần đến "cổng làng”của một xã cù lao. ( Thật ra vì con đường vào làng chui ngay dưới đường sắt của xe lửa, nên được người dân còn gọi "cổng làng” một cách tượng hình là… cầu hang.) Nhờ vốn là cầu hang nên cổng làng được xây dựng khá hoành tráng, trên đó có hàng chữ mạ vàng cho biết đây là một xã… anh hùng! Đức Ông vui sướng, hả hê ra mặt, quay sang tả-hữu:

-         Đây là nơi đầu tiên ta đến khi vào khai phá đất phương Nam, đám hậu bối còn nhớ đến công xưa nên đặt tên đây là một xã… anh hùng! – Không ngờ trong tả-hữu có kẻ bộc trực lên tiếng:

-         Thưa ngài, xã anh hùng này chỉ mới được phong tặng những năm về sau của năm 1975 thôi ạ. – Đức Ông tỏ vẻ cau có, bực bội không vui:

-         Lại có chuyện như vậy sao? Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt , bất cứ ai chống giặc ngoại xâm đều xứng đáng là anh hùng hết… . – Bỗng … "rắc” một tiếng. Cái mũi nhọn thếp vàng trên đỉnh cây lộng che nắng che mưa cho Đức Ông bị gảy ngon lành vì đụng vào… cầu hang! Người lính cầm lộng mặt mày xanh như… lá chuối! Vốn con nhà tướng, Đức Ông nhanh như chớp đặt tay vào… chuôi gươm vì tưởng rằng có biến. Rồi chợt hiểu ra mọi sự, Ông cười hiền hậu:

-         Thôi không sao. Cây lộng này theo ta đã mấy trăm năm cũng mục rồi, nếu lỡ gẩy cái mũi nhọn để khi về đến nhà cho thợ làm lại. Rồi Ông quắc mắt nhìn cái… cầu hang, có tấm bảng hướng dẫn chỉ độ cao từ mặt đường đến dạ cầu chỉ hai mét sáu! Ông lẩm bẩm:

-         Hèn chi! Số cư dân trong làng và chung quanh đây hiện nay đã tăng lên mấy lần, rồi thêm các phương tiện đi lại nữa. Ngần ấy người khi "tham gia giao thông” lại phải chui qua, chui lại cái… hang này đây!!?? Đức Ông quay sang định hỏi một… người đi đường. Tả-hữu lật đật can ngăn:

-         Thưa ngài, ngài nói người trần thế không… nghe thấy gì đâu. Ngôi đình thờ ngài cách đây chỉ vài mươi bước sải của ngựa thôi, thỉnh ngài đến nghỉ chân (?!). Đến tối ngài báo mộng hỏi người giữ đình khắc biết nhiều sự tình, vì ông ta là người sống lâu năm ở vùng này. – Đức Ông chợt nhớ lại mình là… thần, tấm tắc khen phải rồi thúc ngựa đi một vòng, dừng lại nghe hết mọi chuyện những người dân nói với nhau. Mãi hơn canh giờ sau ngài mới đi về phía đình, gương mặt buồn buồn… .

Tối hôm đó người thủ từ già (trong bữa cơm chiều đã làm hết một xị rượu chuối hột cho… giãn gân cốt) nằm mộng gặp… Đức Ông. Tất cả những điều mắt thấy tai nghe được vị thần đem ra hỏi. Tội nghiệp người thủ từ, biết được những gì làm sao dám giấu… thần, đều nói hết cho thần nghe:

-         Việc dòng sông bị ô nhiểm, nhất là cá nuôi bè chết tại khu vực gần cái nhà làm ra giấy, kể cả việc khai thác cát lậu làm sạt lở bờ sông… . Người dân, cho đến báo đài đều có lên tiếng… . Các "cấp thẩm quyền” và "nghành chức năng” đã cho lấy mẫu nước, phân tích và nghiên cứu… . Nghe đâu cá chết không do bệnh, "nhưng có khả năng” (??!!) do "các nhà máy” trong khu vực xả nước thải… .

-         Việc cần có thêm cây cầu để dân chúng đi lại thuận tiện thì đã có… quy hoạch mấy năm rồi, không phải một cây cầu mà nghe đâu có từ 6 đến 8 cây cầu. Nhưng hiện nay không biết sao chưa thấy… cây cầu nào?!

-         Nhưng đáng phấn khởi là có dự án làm bờ kè dọc bờ sông… . – Đến đây Đức Ông chợt khoát tay, mặt mày lại đỏ ửng:

-         Việc này lúc đi đường ta nghe dân chúng nói với nhau nhiều rồi. Làm bờ kè ở một xã ngoại thành mà bề ngang đến 20m, giải tỏa trắng 132 hộ dân, gây xáo trộn dân tình… . Đó là chỉ mới làm một đoạn hơn 1800m thôi. Theo vật giá cách đây khoảng hai năm, dự tính (trên giấy) tốn hết gần 93 tỉ tiền… đóng thuế của dân! Ta hỏi ngươi, a..i là "q..u..a..n” ở đây!? – Người thủ từ mặt mày xám ngoét, run run:

-         Thưa ngài, bây giờ không còn "quan” đâu, chỉ có… "đầy tớ’ thôi, thường dân thành… "người chủ”, vì dân là người đóng thuế để có tiền trả lương cho "đầy tớ” ạ! – Đức Ông sôi nổi, khẳng khái:

-         Đúng! Quá đúng. Ta khi xưa hưởng bổng lộc của triều đình cũng từ đồng tiền mồ hôi, nước mắt của dân đen đóng góp… . – Đôi mắt ngài chợt rươm rướm – Nhưng bây giờ ta không hiểu "cấp thẩm quyền” hoặc "nghành chức năng” ở đâu, "đầy tớ” ở đâu mà để dân tình bất an như vậy ?? – Nghỉ mệt một chút, ngài tiếp:

-         Nơi giàu có sung túc như miệt Bến Nghé (ý nói Sài Gòn, nhưng vì ngài quen dùng địa danh cũ), nơi bán đảo Thanh Đa, rồi miệt Vĩnh Long, người ta làm bờ kè ngang có 4m-5m thôi. Đây sao lại "thừa giấy vẽ voi”? Mà người sinh nhưng đất không sinh nên "giấy” có thừa đâu? Tiền đóng thuế của dân đen khó khăn lắm mới có, sao không cân nhắc? Sao không dùng tiền này để làm ngay cây cầu? Hay chỉnh trang, nâng cấp con đường chính nơi đây? Sao từ lúc thiết kế bờ kè không cho "người chủ” được góp ý theo chủ trương "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”?? – Ngài bức xúc, nói một hơi rồi… quên rằng mình đang nói với… một người thủ từ, chớ không hề có… "đầy tớ” nào ở đây nghe cả! Quá bực tức, ngài xua tay:

-         Thôi ta về quê cho rồi, nhưng cái đám "đày tớ” này rồi cũng sẽ có ngày biết tay ta!

Không ngờ cái xua tay làm rơi chiếc lư hương trên bệ thờ xuống nền gạch vỡ tan tành! Gương mặt Đức Ông thoáng thất sắc… mấy giây! Nhưng rồi ngài nhanh chóng ôn tồn nói với người thủ từ:

-         Ồ! Cho ta… xin lỗi ! Ngươi cất cái này mua lư hương khác. Ta biết cái lư hương quý ngươi sợ bị trộm nên đã cất kỹ rồi, cái bị vỡ này không nhiều tiền đâu! Cám ơn những gì ngươi đã cho ta biết. Tạm biệt nhé! – Đoạn ngài nhét vào túi người thủ từ một tờ giấy gì đó… .

Mới có 4g sáng người thủ từ chợt thức giấc. Giờ này nhiệt độ xuống thấp nhất trong ngày, mà trán ông lấm tấm mồ hôi. Nhớ lơ mơ giấc mộng vừa rồi ông thấy hơi sờ sợ. Bước lên chánh điện, rõ ràng cái lư hương vỡ thành nhiều mảnh đang nằm chơ vơ trên nền gạch. Mặc dù có tiếng hai con mèo hoang đang kêu gào rượt đuổi nhau nhưng ông không quan tâm. Ông mở công tắc cho đèn sáng lên, cho tay vào túi áo: ngoài mấy ngàn tiền lẻ chiều hôm qua, hiện giờ không biết sao có thêm tờ hai chục ngàn còn mới!? Tim đập thình thịch, ông lẩm bẩm:

-         Không lẽ bà bán rượu thối… dư tiền? Hay là tiền của… ? – Nghĩ đến đây thì ông… ngưng, không dám nghĩ tiếp nữa. Lặng lẽ ông lấy cái ly uống nước, cho ít gạo vào, thắp lên ba cây nhang. Ông lâm râm khấn vái trước bệ thờ Đức Ông rồi cắm nhang vào ly. Sáng ông sẽ đi mua cái lư hương khác… ./.

( Truyện được viết vào tháng 4-2010. Không biết có phải nhờ vào uy linh của…Đức Ông hay không, vài tháng sau có một cây cầu được khởi công! Đến nay đã hoàn thành vào đầu năm 2012) 

* * * *

MỐI TÌNH THẦM LẶNG     

(Viết cho ngày sau… , theo lời tâm sự của Q., tặng cho những đôi lứa yêu nhau suốt cuộc đời dù chỉ thầm lặng bên nhau )                                     

                         

                                                                                                         

Vào đầu những năm 2020, ga tàu điện ngầm Suối Tiên đã bắt đầu hoạt động… . Vào một ngày nghỉ, lúc nắng ấm phương Nam đã ngập tràn… .Là nơi giao lộ đường bộ, lại có thêm nhà ga tàu điện ngầm nên khu vực này trở nên sầm uất mặc dù việc đi lại vẫn thuận tiện hơn trước rất nhiều. Hàng quán đương nhiên mọc lên, nhất là quán café. Nhưng khu vực này đâu chỉ duy nhất có một quán café. Nào là các quán tân kỳ theo phong cách Âu-Mỹ với ít nhất một tầng lầu, đi thang cuốn êm ái và tiện lợi, trang trí phía ngoài bởi màu sơn đặc trưng và hình thức bắt mắt, rất dễ dàng thu hút khách từ xa… .Duy có một cái quán vừa phải với hàng cây xanh phía trước, khách phải đi đến gần mới trông thấy. Cái quán có tên rất Việt: café Ti-Gôn. Ai cũng biết hoa ti-gôn rồi, loài hoa dây leo, có sức sống rất mãnh liệt, những chiếc lá màu xanh không đậm lắm (mang dáng hình trái tim!) . Rồi còn hơn thế nữa, đậm đà tha thiết với những bông hoa có màu hồng ấm nồng nàn… .Đặc biệt, những chùm hoa cũng…hình trái tim quấn quít với nhau - như tim của những người đang yêu? - quyến luyến không muốn lìa xa… .Đặc biệt chỉ quán này còn lợp… lá! Thời buổi này lá lợp nhà tính ra còn mắc hơn các vật liệu khác vì chỉ dùng được lâu nhất là ba năm phải lợp lại. Nhưng đây là thứ "lá nhân tạo” được sản xuất trong nước và bán khá chạy, ngay cả xuất khẩu  ra nước ngoài. Bên trên lớp mái lá dày là cả một công trình phải nói là…kỳ công. Người ta đã trồng và cho không biết bao nhiêu dây hoa ti-gôn leo chằng chịt, tạo nên một mái nhà thứ hai, một mái nhà toàn bằng … lá và hoa.

     Vào một ngày nghỉ, lúc nắng ấm phương Nam đã ngập tràn… . Nơi góc quán có đôi vợ chồng già(?) hình như là khách quen thì phải. Họ hay ngồi trước một cái bàn nhỏ với hai chiếc ghế cạnh nhau, khu vực dành cho những đôi lứa. Lần nào cũng vậy, đến đây là bà nhanh nhẹn vào khu vực "khách hàng tự pha chế” pha cho ông ly cooktail-rhum… đặc biệt  theo sở thích của ông, rồi tự tay mang ra bàn. Riêng phần bà chỉ uống nước khoáng thôi vì bà có bệnh cao huyết áp mấy mươi năm nay rồi.

    Cả hai rất khó đoán tuổi, ước chừng cũng gần bảy mươi hoặc có thể hơn.Ông người vừa phải,đầy đặn nhưng không đến mức béo phì như phần đông các cụ có cùng tuổi, mặc chiếc áo pull màu sáng, mang đôi giày đi tập thể dục, dáng dong dỏng cao…. Riêng bà, cũng trạc vào độ tuổi đó nhưng thân hình còn thanh tú và vẫn còn vương vấn nét thanh xuân-kiêu hãnh với mái tóc dài và dày, được bới cao gọn gàng tuy một phần đã bạc theo năm tháng…. Thật bất ngờ khi cả hai Ông-Bà đều xưng hô anh-em ngọt ngào với nhau khiến một vài đôi thanh niên nam nữ gần đó nhìn nhau cười tủm tỉm… . Người ta chỉ cần gặp ông bà tại đây vài lần là có thể  biết khá nhiều câu chuyện tâm tình giữa hai người.

    Bà có lẽ cố hữu vẫn nhanh nhẹn hơn ông nên lúc nào cũng… nhắc chuyện trước, một câu chuyên cách nay hơn… mười năm:

- Hồi đó không biết sao khi đi họp mặt cựu sinh viên em lại chụp chung với anh một tấm hình. – Ông chậm rãi, trìu mến và âu yếm:

- Làm… sao khi… không được! Em đã nói rồi,em muốn "né” chụp hình với ai đó nên "núp” kế bên anh… . Mà lúc đó mình đâu có nghĩ gì, chỉ chụp hình… xã giao với nhau thôi.

Bà mĩm cười nghiêng mặt nhìn ông và nói:

- Nhưng mà em cũng cố tình tìm đúng người để… núp chớ bộ.- Rồi với cái nhoẽn miệng cười thật duyên bà nói tiếp:

- Rồi đâu có ngờ từ tấm hình này mà mình… với nhau đến bây giờ….

    Ông với bà vốn là sinh viên trường Luật, ra trường mãi từ năm 74. Sau năm 75, thời cuộc đưa đẩy, bà trở thành cô giáo của một trường học, ông thì trở về quê sinh sống tại một thành phố nhỏ hiền hòa, giáp ranh với Sài Gòn… .

    Dạo đó, sau ngày định mệnh chụp hình chung với nhau, qua vài e-mail, nhiều tin nhắn, và những cuộc điện thoại nhẹ nhàng… , hai người đã có cảm tình với nhau. Có một chuyện thật là trước thời điểm có tình cảm với nhau, trước đó bốn năm bà đã ly dị với người chồng. Riêng ông thì có khác, nói vui thì ông chỉ… "độc thân kỹ thuật” vì người vợ một phần cũng đã lớn tuổi lại hình như có bệnh sao đó mà không còn thiết đến việc vợ chồng. Xong công việc gia đình bà vợ của ông chỉ biết chuyên tâm đi công quả nơi các cảnh chùa… .

    Trước đây, khi còn ở vào độ tuổi ngấp nghé sáu mươi, tuy không phải là hoa khôi, nhưng với dáng cao, người thon thả, giọng nói Nam Bộ dịu dàng… , bà đã thu hút biết bao mối quan tâm, tình ý của nhiều quý ông có cùng độ tuổi với mình… . Mặc dù bề ngoài có vẻ "thoáng” trong giao tiếp, nhưng đâu có người nào biết bà đã từng dũng cảm quyết liệt chống trả mấy cuộc "tấn công” dục tình đầy mưu mô và thủ đoạn. Bà đã vượt qua tất cả  để đến với ông, người đàn ông mà theo bà có tính tình nhu hòa, không tranh hơn thua, thậm chí có khi còn nhường nhịn bạn bè. Có những lúc riêng tư bên nhau, sau một ánh nhìn nồng nàn, bà nói ra những lời (gần như là)… thỏ thẻ, âu yếm:

    - Em đã… "lầm” anh đó chớ! Bề ngoài anh có vẻ nho nhã như vậy, mà tới lúc… anh cũng trở nên đầy sinh lực, tình tứ, mãnh liệt… .- Ông cũng cười hiền lành: " Chớ em cũng đâu có… chịu thua anh!”.Tiếp theo là tiếng cười rúc rích, có lẽ của… bà.

    Tình cảm với nhau phải nói là tràn trề như vậy, nhưng có những lúc  bà  thấy ray rức. Rằng về mặt pháp lý, dù bà đã ly hôn, nhưng khi đến với ông như thế này là… không phải. Hiểu tâm sự của người yêu, ông chỉ biết an ủi cho bà (và cũng cho chính mình): Đành rằng về pháp lý là như thế, nhưng về mặt đạo lý mình cũng đâu có sai phạm gì quá nặng nề. Chính em từ lúc đầu đã nói rằng em đến với anh duy nhất chỉ vì tình cảm , còn những gì khác anh và em phải lo chu toàn cho gia đình của riêng mình  như lâu nay. Thế là cuối cùng cả hai vẫn bên nhau cho đến nhiều năm sau đó… . Mỗi tuần lễ ông bà vẫn đều đặn có một ngày hẹn hò găp nhau tại quán Ti-Gôn… .

    Bẳng đi một thời gian khá dài, những người khách quen, những nhân viên phục vụ mới lẫn cũ không thấy hai ông bà đến quán. Họ thấy không gian café Ti-Gôn như … khác trước, đến mức giống như cái quán này có một sự thay đổi gì đó thì phải… .

    Thế rồi vào một buổi sáng, buổi sáng cũng ngập tràn nắng ấm phương Nam. Lại thêm đêm qua có một trận mưa giao mùa, cây xanh được tưới nước hậu hỉ bởi thiên nhiên lẽ ra phải tươi phải thắm, nhưng… . Những giọt nước còn đọng trên những chiếc lá xanh, trên những chùm hoa ti-gôn sao giống như những giọt lệ bi thương!

    Bà đã xuất hiện trở lại, cái dáng vẻ nhanh nhẹn trước kia không còn nữa, mái tóc đẹp ngày nào nay đã bạc nhiều hơn trước. Bà nặng nề, ủ dột bước vào quán chỉ với… một mình. Góc đàng kia trong số mấy cô cậu sinh viên có ai đó nói nhỏ (trong tiếng "suỵt, suỵt” – ra hiệu đừng nói – của bạn bè):

- Hai ông bà… giận nhau và… chia tay rồi, hoa ti-gôn còn có tên là… "hoa tim vỡ” mà !!

Đàng kia, trước ánh mắt ngạc nhiên của nhiều người, bà cụ tiến lại quày  "khách hàng tự pha chế” pha cho mình một ly cooktail-rhum rồi trở về chổ ngồi từ trước đến giờ của mình. Bà thì thầm như nói với ai vậy:

- Em pha cho anh ly cooktail anh thích đây… .- Rồi bà cúi(hay gục?) đầu tìm trong túi xách mang theo bên mình lấy ra một quyển album nhỏ, trong đó ai cũng biết sẽ là những tấm ảnh kỷ niệm của hai người.

   Mấy tháng trước đây ông đã qua đời trong một giấc ngủ bình thường.Trước đó chỉ mấy giờ, hai người còn dùng cái điện thoại smart phone 3G đồ cổ của mình để nói chuyện và còn nhìn thấy mặt nhau ! Bà có đến đưa đám tang cùng với mấy người bạn học, dĩ nhiên bà đến với danh nghĩa cũng là… bạn. Chuyện "mối tình thầm lặng” từ trước đến nay giữa hai người có lẽ đâu có ai biết.

   Quán vừa có thêm một nhóm thanh niên bước vào, có lẽ là nhóm bạn học với nhau… . Không khí trong quán trở nên hơi ồn ào. Riêng bà rồi cũng đã đến lúc ra về, bà lúi húi thu dọn những gì mình bày ra. Một lần nữa mọi người lại ngạc nhiên khi trong lúc tính tiền bà đã dịu dàng, ân cần nói với cậu phục vụ(có lẽ cũng là sinh viên như ông bà ngày xưa):

- Cháu làm ơn uống dùm ly cooktail nhé. Bác huyết áp cao nên không uống được!

    Tuần nào cũng vậy, bà đều đặn đến ngồi tại chỗ cũ, hình như khách quen và cả nhân viên phục vụ (vào ngày, giờ ấy) đều cố tình sắp xếp để chỗ đó còn trống mà chờ… bà. Thời gian vẫn trôi, cái quán café Ti-Gôn vẫn tồn tại vì không có quán nào độc đáo như vậy. Hơn một năm sau, trong một lần thường lệ ghé quán – dù đã thưa dần hơn trước kia -  , cũng với câu nói dịu dàng nhờ người phục vụ uống dùm ly cooktail do bà tự pha… .

    Nói xong bà ra khỏi quán và lên chiếc xe bus vừa trờ tới… .Sau đó cậu phục vụ trong lúc dọn bàn chợt nhìn thấy có một tấm hình rơi xuống sàn. Cậu ta cúi xuống nhặt lên. Tấm hình khổ 9x15 có khuôn hình trái tim tạo bởi kỹ thuật photoshops, trên đó là hai ông bà ngồi cạnh nhau lúc độ… sáu mươi tuổi, có lẽ trong một cuộc họp nhóm hay họp khóa học gì đó. Tấm hình bị nhòe, không biết do nước uống hay là nước… (?). Tuy nhiên người ta vẫn đọc được hàng chữ hình như mới được viết một cách run run và vội vàng… " sao anh lại ra đi trước em…? ".  Vì bà vốn là khách quen nên người của quán cẩn thận giữ lại, vì mấy ngày nữa thôi bà cũng sẽ trở lại quán, đến ngồi nơi cái chỗ thân quen của bà.

   Vậy mà một tuần lễ trôi qua, nhiều tuần lễ trôi qua… . Tháng sau, rồi năm sau bà cũng vẫn không trở lại. Không có ai nghĩ rằng bà đã quên được quán café Ti-Gôn, nơi chốn cũ thân thương với màu hoa ti-gôn bất diệt, nơi đầy ắp biết bao kỷ niệm . Thế nhưng vào độ tuổi qua bảy mươi đã lâu rồi, tuổi hoàng hôn bóng xế của đời người, bà còn có thể… đi đâu… ?!./.

 

HUỲNH VĂN HUÊ và T.T.CH.( Tháng 3/2012)  

Category: My articles | Added by: luongthaisy (04.21.2012)
Views: 656 | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Tác quyền của HUỲNH VĂN HUÊ
Cấm sao chép